Nghề nuôi tôm ở nước ta đã và đang phát triển rất nhanh trong những năm qua với mức độ thâm canh hóa ngày càng cao. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát đó là vấn đề dịch bệnh bùng phát và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Dịch bệnh, nhất là bệnh do vi-rút đang là mối nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm.
Trong số các bệnh nguy hiểm, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) do vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm. Bệnh lây lan nhanh và tôm nhiễm bệnh tỷ lệ chết cao. Các biện pháp phòng và trị AHPND ở tôm nuôi được áp dụng hiện nay chủ yếu là kháng sinh, trong đó phổ biến là oxytetracylin nhưng thường không có hiệu quả. Nghiên cứu mới đây của Trần Việt Tiên và Đặng Thị Hoàng Oanh cho thấy sử dụng oxytetracyclin còn làm giảm miễn dịch của tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei).
Cơ chế miễn dịch tôm
Tuy tôm có khả năng đề kháng mầm bệnh vi sinh vật thông qua hệ miễn dịch tự nhiên, nhưng tác nhân gây bệnh vẫn có thể xâm nhiễm và gây ra tỉ lệ chết cao khi hệ miễn dịch bị suy giảm dưới sự tác động của các yếu tố môi trường (Takahasi et al., 1995), trong đó kháng sinh là những nhân tố góp phần làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng sự mẫn cảm của tôm với mầm bệnh (Ren et al., 2014).
Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể chúng có khả năng bị kiểm soát hoặc loại bỏ bởi khả năng nhận dạng của các tế bào máu. Quá trình này được thực hiện bởi các phân tử trong tế bào máu có thể nhận biết các cấu trúc trong thành tế bào của vi sinh vật xâm nhập, bao gồm các protein liên kết và do sự nhận biết của lipopolysaccharides, β-1-3-glucans và peptidoglycans (Lin et al., 2006; Vargas-Albores and Yepiz-Plascencia, 2000).
Enzyme phenoloxidase được tổng hợp và lưu trữ bởi bạch cầu hạt và bạch cầu bán hạt, và nó có thể được kích hoạt bởi hiện diện lượng tối thiểu của vi khuẩn. Sự hoạt hóa của hệ thống Pro-phenoloxidase dẫn đến sản xuất melanin, chịu trách nhiệm khử hoạt tính của các tác nhân xâm nhập, và ngăn ngừa sự lan truyền của chúng khắp cơ thể vật chủ, cũng như để phục hồi tổn thương lớp biểu bì. Qua đó, hoạt tính enzyme phenoloxidase được công nhận là một cơ chế miễn dịch hiệu quả chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài (Sritunyalucksana and Söderhäll, 2000).
Hoạt động của SOD là một trong những cơ chế bảo vệ chính, giúp cơ thể chống stress oxy hóa gây ra bởi ô nhiễm, bệnh truyền nhiễm, tình trạng thiếu oxy (hypoxia), quá nhiều oxy (hyperoxia), nhiệt độ và các chất kích thích miễn dịch (Neves et al., 2000).
Trong nghiên cứu này, kết quả về ảnh hưởng của oxytetraxyclin lên đáp ứng miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) cảm nhiễm Vibrio parahaemolyticus được trình bày nhằm bổ sung thông tin làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong nuôi tôm thẻ chân trắng.
Bố trí thí nghiệm
Tôm có trọng lượng (2,8 ± 0,48 g/con) được bố trí ngẫu nhiên (30 con/bể) với bốn nghiệm thức (lặp lại 3 lần), gồm có:
– Nghiệm thứ 1: (NT1) Đối chứng không cảm nhiễm
– Nghiệm thức 2: (NT2) Đối chứng cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus
– Nghiệm thức 3: (NT3) không cảm nhiễm, cho ăn thức ăn trộn oxytetracylin (2 g/kg thức ăn) liên tục trong 5 ngày
– Nghiệm thức 4: (NT4) cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus, cho ăn thức ăn trộn oxytetracylin (2 g/kg thức ăn) sau 1 ngày cảm nhiễm
Thí nghiệm được theo dõi trong thời gian 14 ngày sau cảm nhiễm. Tôm được cho ăn thức ănvới lượng thức ăn bằng 2% trọng lượng thân (do sau khi cảm nhiễm tôm thường giảm ăn) và cho ăn 4 lần/ngày trong suốt thời gian thí nghiệm 14 ngày.
Kháng sinh oxytetracylin (99%) được trộn vào thức ăn rồi áo bằng dầu mực (20 ml dầu mực/kg thức ăn).
Kết quả
Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ tôm chết cao nhất ở NT2 với tỷ lệ tôm chết tích lũy sau 14 ngày cảm nhiễm là 48,9 ± 5,1 khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức không cảm nhiễm, tuy nhiên, khi sử dụng oxytetracylin tỉ lệ chết giảm nhưng không đáng kể.
Các chỉ tiêu miễn dịch THC, PO, RBs và SOD giảm khi cho tôm thẻ chân trắng ăn thức ăn có bổ sung oxytetracylin khi cảm nhiễm và không cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus gây hoại tử gan tụy cấp tính. Kết quả trên cho thấy sử dụng oxytetracylin để phòng bệnh hay trị bệnh đều làm suy giảm miễn dịch và có thể gây chết tôm.
Qua nghiên cứu cho thấy sử dụng oxytetracylin để phòng trị bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây hoại tử gan tụy cấp tính là không hiệu quả, đồng thời làm suy giảm miễn dịch của tôm. Do đó, để phòng bệnh bà con nên quản lí chặt chẽ môi trường nước ao nuôi và theo dõi tôm thường xuyên để có biện pháp xử lí kịp thời.