Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng cao gây biến động môi trường sẽ gây stress cho tôm nuôi khiến tôm bỏ ăn và phát sinh dịch bệnh gây chết tôm hàng loạt.
Nhiệt độ nước tăng cao làm cho quá trình phân hủy vật chất hữu cơ cũng tăng, sinh ra nhiều khí độc dưới tầng đáy, làm tăng nguy cơ nhiễm độc của tôm khi di chuyển xuống đáy tránh nắng. Đặc biệt khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao làm hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển; nhất là các loài tảo lam, tảo giáp khi phát triển mạnh sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm hàng loạt. Nên bổ sung enzym xử lý nước định kỳ để hạn chế tảo phát triển quá dày đặc và xử lý các xác tảo tàn, hạn chế tối đa ô nhiễm hữu cơ.
Ở nhiệt độ bình thường nên cho tôm ăn đúng quy trình phù hợp sức ăn, tránh dư thừa thức ăn; khi trời nắng nóng tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 70 – 80% lượng thức ăn hằng ngày và tăng lượng thức ăn vào cữ ăn trời mát.
Sau khi thả tôm 10 ngày nên dùng chế phẩm sinh học té xuống ao để tạo hệ vi khuẩn có lợi, chế át vi khuẩn có hại, đồng thời tiêu thụ bớt dinh dưỡng trong nước ao, giảm tảo phát triển, ổn định pH và độ kiềm trong nước.
Cần tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, nhá vó lội mò bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm.
Vào mùa nắng nóng, trời ít mưa, nước bốc hơi, bờ ao rò rỉ làm ao cạn nước, độ mặn tăng và độ trong thấp, tôm dễ bị bệnh khó lột xác, đóng rong chậm lớn. Do vậy cần bổ sung nước mát (ở tầng đáy) của ao lắng vào ao nuôi để duy trì độ sâu và giảm độ mặn nước ao.