Sử dụng thuốc sát trùng để xử lý nước nuôi thủy sản là rất cần thiết, đặc biệt là trong nuôi thâm canh và trong các trường hợp xảy ra dịch bệnh. Một số thông tin sau đây hữu ích cho người nuôi trong sử dụng thuốc sát trùng một cách hợp lý và hiệu quả.
1. Các yếu tố tác động đến hiệu quả thuốc sát trùng
Loại mầm bệnh: Mỗi loại thuốc sát trùng có khả năng tác động trên những mầm bệnh nhất định. Do vậy để có hiệu quả, người nuôi cần căn cứ vào phổ tác động của hóa chất để chọn đúng loại thuốc sát trùng theo mục đích mong muốn.
Mức độ ô nhiễm: Tình trạng ô nhiễm của nguồn nước sẽ quyết định thời gian cần tiếp xúc và nồng độ cần thiết của hóa chất sát trùng. Một số loại thuốc giảm tác dụng khi môi trường có nhiều cặn bã hữu cơ hoặc nồng độ vi sinh vật trong ao, do vậy liều sử dụng thực tế sẽ có sự tăng giảm đáng kể so với liều hướng dẫn trên nhãn.
Các thông số môi trường: Các yếu tố hóa lý của môi trường nước như nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ kiềm, độ cứng của nước đều có ảnh hưởng đến độc tính và hiệu quả của một số hóa chất sát trùng. Do đó người nuôi cần nắm được các thông số này và đặc tính của từng loại thuốc sát trùng trước khi quyết định chọn sử dụng một loại hóa chất nào đó để đạt được hiệu quả và độ an toàn cao nhất.
Sự tương tác: Một số hóa chất sát trùng có thể tương tác với một số thành phần khác có sẵn trong môi trường, hoặc tương tác với các hóa chất khác do sử dụng cùng lúc. Các tương tác này có thể có hại làm tăng độc tính hoặc làm mất hoạt tính, và đôi khi cũng có thể là tương tác có lợi làm cho việc sử dụng thuốc hiệu quả hơn. Do đó tùy loại hóa chất sử dụng mà xem xét các yếu tố này.
Sự an toàn: Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, hóa chất sử dụng phải an toàn cho sức khỏe con người, sản phẩm không được gây tồn dư trong môi trường, gây độc cho tôm cá nuôi và gây độc cho người sử dụng. Từ yếu tố an toàn, một số hóa chất đã bị cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản, người nuôi cần tuân thủ theo qui định của pháp luật hiện hành
2. Đặc điểm một số hóa chất sát trùng thông dụng trong thủy sản: Mỗi loại thuốc sát trùng đều có những đặc điểm khác nhau, từ phổ kháng khuẩn, độc tính cho đến các điều kiện bảo quản … Những thông tin sau đây trình bày tóm lược trên những loại thuốc sát trùng thông dụng được sử dụng phổ biến trong nuôi thủy sản.
Formol: Có dạng chất lỏng chứa 37% formaldehyde, là hóa chất sát trùng phổ rộng tác dụng mạnh trên vi khuẩn gram âm , virus, nấm, bào tử và protozoa ngoại ký sinh. Thuốc vẫn giữ được khả năng diệt khuẩn trong môi trường có chất hữu cơ nên sử dụng được trong các ao ô nhiễm nặng, đây là điểm mạnh của nhóm hoạt chất sát trùng nhóm aldehyde.
Những lưu ý sử dụng formol:
– Formol làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước (5mg/lít của formol sẽ loại bỏ 1mg/lít của oxy hoà tan). Do đó chỉ nên sử dụng formol khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước ao đạt ngưỡng an toàn cho nuôi tôm cá. Khi sử dụng cho ao tôm cần chạy quạt nước
– Tính độc formol tăng khi nhiệt độ tăng cao trên 21oC. Do đó nên sử dụng lúc trời mát, thích hợp nhất là sáng sớm.
– Diệt tảo dùng liều 10ppm. Diệt ngoại ký sinh dùng liều 25ppm. Tuy nhiên formol tác động mạnh trong môi trường kiềm, cần giảm liều khi ao đã được xử lý vôi ngày trước đó.
– Formol rất dễ gây sốc cho tôm cá nuôi. Để giảm sốc cần ngưng cho tôm, cá ăn trong ngày sử dụng và sau 24 giờ phải thay nước.
Do độc tính cao nên formol được xem là biện pháp cuối cùng của việc sát trùng nước hay điều trị ngoại ký sinh tôm cá. Đặc biệt khi thấy có bột trắng lắng xuống đáy bình chứa là formol biến thành paraformaldehyt rất độc gây chết tôm cá nuôi.
BKC: Hoạt chất chính là Benzalkonium chloride (gọi tắt là BKC) là một hợp chất ammonium bậc 4 (quaternary ammonium) . Thuốc có khả năng diệt khuẩn, virus có vỏ bao, nguyên sinh động vật mạnh, diệt nấm, tảo khá, diệt bào tử kém và không tác dụng trên virus không vỏ bao. Sản phẩm thông dụng chứa 80% hoạt chất.
Những lưu ý sử dụng BKC: Hiệu quả BKC giảm khi môi trường có chất hữu cơ và nước cứng (nước có 150 -300 CaCO3mg/lít). Tuy nhiên do độc tính thấp nên trong các trường hợp này có thể sử dụng liều gia tăng hơn liều hướng dẫn (0,3 -1ppm) để bảo đảm tác dụng của thuốc. BKC tác động bền vững khi nhiệt độ cao nên sử dụng thích hợp vào mọi thời điểm trong ngày.
Glutaraldehyde: Còn được gọi dưới tên khác là 1,5 pentanedial, Glutardialdehyde, Glutaric. Hóa chất tác dụng mạnh trên vi khuẩn cả gram âm và gram dương, virus, tảo, nấm và cả bào tử vi khuẩn. Thuốc cũng có tác dụng kiềm hãm sự phát triển của ốc trong ao. Tuy nhiên do hóa chất tác động kém trên loài giáp xác ngoại ký sinh nên thường dùng kết hợp với BKC để mở rộng phổ tác động.
Những lưu ý sử dụng Glutaraldehyde: Hóa chất không ổn định ở nhiệt độ cao do đó nên sử dụng khi trời mát (tương tự formol). Tuy nhiên tác động kém trong môi trường kiềm nên cần tăng liều khi ao xử lý vôi vào ngày trước đó. Khi pH >9 sử dụng không còn hiệu quả. Liều sử dụng khuyến cáo là 0,5-1ppm. Tuy nhiên nếu nước có oxy hòa tan thấp (<3ppm đối với cá, <4ppm đối với tôm) thì cần giảm liều để bảo đảm an toàn, đặc biệt là tôm, khi sử dụng cần chạy quạt nước. Glutaraldehyde vẫn giữ được tác động tốt trong môi có nhiều chất hữu cơ nên sử dụng được trong các ao ô nhiễm nặng. Đây cũng là lý do glutaraldehyde được kết hợp với BKC để khắc phục hạn chế của hóa chất này.
Chloride: Chất sát trùng phổ rộng, có hiệu quả diệt vi khuẩn, virus, nấm, tảo. Không hiệu quả với bào tử vi khuẩn. Sản phẩm phổ biến là Chloramine (NH2Cl), Chloramin B (C6H5SO2NNaCl), Chloramin T (C7H7 SO2NNaCl), Chlorine Ca(OCl)2 hoặc NaOCl
Những lưu ý sử dụng Chloride: Giảm tác dụng trong môi trường nước mặn, pH kiềm, môi trường có nhiều cặn bã hữu cơ, các chất lơ lững. Do đó trong các trường hợp này cần tăng liều sử dụng để tạo được hiệu quả. Tuy nhiên khi dùng liều cao hơn khuyến cáo (1-2ppm) sẽ tạo ra nhiều hợp chất chloramines gây độc cho cá và các sinh vật trong ao. Do vậy khi dùng liều cao cần loại bỏ Chlor dư thừa sau 24 giờ bằng Thiosulfat sodium (Na2S2O3). Phản ứng oxy hoá giữa chlorine và các chất hữu cơ sẽ tạo ra acid humic, fulvic lắng đọng đáy ao gây hại tôm cá. Chloride có tính bốc hơi, tác động tầng mặt nên tác động hạn chế khi cần sử dụng sát trùng nền đáy ao nuôi.
Thuốc tím: Permanganat Kali (KMnO4), tinh thể tím ánh kim, có tác dụng sát trùng mạnh dùng xử lý nước và điều trị ngoại ký sinh cho tôm cá, làm giảm H2S, Fe++…
Những lưu ý sử dụng thuốc tím: Tác dụng kém trong ao nuôi có nhiều chất hữu cơ. Trong trường hợp này cần thử khả năng oxy hóa chất hữu cơ trong ao (nước vẫn còn màu tím trong mẫu nước thử) mới tính được liều sử dụng. Sử dụng với nồng độ 2-6ppm thuốc có tác dụng giảm chất hữu cơ trong ao nuôi làm trong nước và tăng oxy hoà tan và nhưng hiệu quả tạo oxy hòa tan không cao. Thuốc tím có tính oxy hóa rất mạnh, dễ bị phân hủy khi pha thành dung dịch, do đó khi pha phải sử dụng ngay, việc bảo quản ở dạng lỏng không nên quá 24 giờ và phải tránh nhiệt độ cao, ánh nắng chiếu trực tiếp. Khi dùng liều cao (≥10ppm), lượng manganese oxide (MnO) tạo thành sau quá trình oxy hoá rất nhiều sẽ gây độc cho tôm cá.
Iodine: Diệt được vi khuẩn, virus, nấm, diệt bào tử khá, không diệt được tảo. Liều sử dụng (dạng bột có nồng độ iodine 12%), có thể thay đổi từ 0,3 -5 ppm tùy theo mục đích sử dụng.
Những lưu ý sử dụng Iodine: Tác dụng kém trong nước có độ kiềm cao và nhiều chất hữu cơ, cần tăng liều sử dụng trong các trường hợp này. Thuốc không bền ở môi trường kiềm, vì vậy không dùng khi ao đã được xử lý vôi ngày trước đó. Thuốc tương kỵ nhất với các dẫn xuất thủy ngân tránh dùng kết hợp với các thuốc sát trùng khác
Vimekon: Sản phẩm thương mại chứa hoạt chất Potassium monopersulfate và các chất bổ trợ. Vimekon tác động tốt trên vi khuẩn, virus, nấm và nguyên sinh động vật. Ngoài tác dụng sát trùng, thuốc còn có khả năng làm giảm H2S và tăng lượng oxy hòa tan trong nước ao nuôi nên phù hợp khi xử lý ao nuôi có mùi hôi thối, hàm lượng oxy thấp.
Những lưu ý sử dụng Vimekon: Tác động tốt trong môi trường có pH thấp. Do đó không dùng cho ao vừa xử lý vôi ngày trước đó. Tác động mạnh trong môi trường nước mặn nên phù hợp sát trùng ao tôm, cá nuôi nước lợ. Khi dùng sát trùng ao nuôi nước ngọt nên kết hợp với muối (dùng riêng, nếu pha trộn chung sẽ giải phóng khí chlor ra môi trường gây độc cho người sử dụng). Tăng hiệu quả của thuốc sát trùng chlorin.
3. Cách sử dụng thuốc sát trùng
Bước 1: Chọn thuốc phù hợp mục đích: Chọn lựa thuốc sát trùng phù hợp hiện trạng nước ao nuôi: nước ngọt, nước mặn, pH, kiềm, DO, ô nhiễm hữu cơ v.v… và phù hợp đối tượng cần tiêu diệt: virus, vi khuẩn, nguyên sinh động vật, ngoại ký sinh v.v…
Bước 2: Tính toán lượng thuốc cần sử dụng: Lượng thuốc được sử dụng được tính toán trên nồng độ sản phẩm và lượng nước trong ao để đạt được nồng độ sát trùng mong muốn trong ao nuôi. Sau đó hòa với nước sạch theo tỉ lệ 1:60-100 (1 lít hoặc 1kg thuốc pha với 60 -100 lít nước sạch) và sử dụng tùy theo mục đích.
Bước 3: Thử phản ứng thuốc: Đối với thuốc sát trùng mới sử dụng lần đầu hoặc phải dùng liều cao hơn hướng dẫn của nhà sản xuất (do yêu cầu đáp ứng với chất lượng hiện tại của nguồn nước) thì cần thử trên bể với một số ít tôm cá để đánh giá độ an toàn của thuốc và liều sử dụng (thử bằng chính nguồn nước ao dự kiến sử dụng). Nếu trong 24 giờ tôm cá thử nghiệm vẫn bình thường thì có thể sử dụng cho ao nuôi.