Thủy sản là ngành quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào nền kinh tế khoảng 3 – 4% tổng GDP hằng năm, đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng (Hong N.T.K. và ctv, 2017). Tuy nhiên, ngành này đang bị đe dọa bởi tình trạng dịch bệnh ngày càng tăng. Trước đây, kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng và điều trị các bệnh ở thủy sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong thời gian dài đã đem lại nhiều hệ lụy khó khắc phục.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó Việt Nam được xếp vào “một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới”
TÌNH TRẠNG KHÁNG THUỐC TRÊN ĐỘNG VẬT THỦY SẢN
Ở Việt Nam, hiện tượng kháng thuốc đã được một số tác giả ghi nhận trên vi khuẩn gây bệnh cũng như vi khuẩn trong môi trường nuôi cá, tôm (Dung và ctv.,1997; Van, 2005; Phuong và ctv., 2005 và Le và ctv., 2005, Sarter và ctv., 2007).
Theo báo cáo của Mai Văn Tài và ctv, (2004), kháng sinh được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ yếu thuộc nhóm oxytetracycline bao gồm: Oxytetracycline, tetracycline và doxycycline. Trong đó, có khoảng 32 loại kháng sinh được sử dụng trong các qui trình nuôi tôm thịt, 39 loại được sử dụng trong sản xuất tôm giống, 14 loại được sử dụng trong ương nuôi các loại cá biển, 41 loại trong nuôi cá lồng nước ngọt và 67 loại trong nuôi cá ao nước ngọt. Ngoài ra, sự tồn dư của 4 loại kháng sinh trimethprim (TMP), sulfamethoxazole (SMX), norfloxacin (NFXC) và oxolinic acid (OXLA) trong nước và trong bùn ở các ao nuôi tôm thuộc bốn khu vực khác nhau bao gồm Thái Bình, Nam Định, Cần Giờ và Cà Mau cho thấy cả bốn loại kháng sinh này đều được phát hiện trong các ao nuôi tôm với nồng độ cao nhất là TMP = 1,04 ppm, SMX = 2,39 ppm, NFXC = 6,06 ppm và OXLA = 2,5 ppm và trong bùn với nồng độ cao nhất là TMP = 734,61 ppm, SMX = 820,49 ppm, NFXC = 2.615,96 ppm và OXLA = 426,31 ppm
Các dòng vi khuẩn kháng thuốc đã được phát hiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực sản xuất ở Việt Nam, như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh, gây tổn thất to lớn cho ngành công nghiệp nuôi tôm trong nước. Nguyễn Diễm Thư và ctv, (2016) đã công bố tỷ lệ 12,37 % mẫu tôm, nước nuôi và bùn đáy ao thu ở khu vực sông Mê Kông mang Vibrio có gen gây bệnh “hoại tử gan tụy”, trong đó 80,85 % và 78,72 % chủng kháng lại lần lượt 2 kháng sinh là Doxycycline và Enrofloxacin. Đây là con số đáng báo động, là hệ lụy từ việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực này trong thời gian dài.
Trong một nghiên cứu khác ở ĐBSCL của Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv, (2005) đã phân lập được 169 dòng vi khuẩn từ các ao nuôi thủy sản và thử với 6 loại kháng sinh và kết quả cho thấy có 59% dòng vi khuẩn kháng với 4 hay 5 loại kháng sinh. Có 34% kháng nhiều loại kháng sinh như Chloramphenicol, Ampicilline, Tetracyline, Trimethoprim + Sulfamchoxazole, Nitrofurantion. Kết quả kháng sinh đồ của 26 trong số 27 dòng vi khuẩn phát sáng được thử với 6 loại thuốc kháng sinh thường dùng trong nuôi thủy sản cho thấy 100% số dòng vi khuẩn thử nghiệm kháng với ampicilin. Có khoảng 15% dòng vi khuẩn kháng với 2 loại kháng sinh, và 4% kháng với 4 loại thuốc được thử. Có 4% số dòng vi khuẩn kháng với cả 6 loại kháng sinh thử nghiệm.
Theo kết quả kháng sinh đồ của Nguyễn Thị Phương Nga và Phạm Thanh Tuấn (2004) về tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở các vùng nuôi thủy sản trọng điểm ở ĐBSCL cho thấy hiện tượng đa kháng ở các dòng vi khuẩn thử nghiệm là khá cao. Phần lớn (94%) là kháng từ 3 loại kháng sinh trở lên trong đó có cả thuốc kháng sinh dùng trong y khoa như chloramphenicol, ampicillin và tetracyline. Điều này cho thấy sự lạm dụng thuốc kháng sinh trong thủy sản là rất nghiêm trọng.
TÁC HẠI CỦA VIỆC LẠM DỤNG KHÁNG SINH TRONG NTTS
Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Con Người
Dư lượng kháng sinh trong thịt cá, tôm không mất đi mà tích tụ lại ở người tiêu dùng, khiến con người cũng bị ‘lây’ bệnh nhờn thuốc làm cho khả năng chữa trị khó, lâu dài và phức tạp hơn. Theo tiến sỹ Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), những loại kháng sinh tồn dư trong tôm cũng như các loại thủy sản nhiều nhất hiện nay là: Enrofloxacin, Oxytetracycline, Chloramphenicol, Ciprofloxacin, …
Một số kháng sinh có thể gây tử vong cho những người bị dị ứng nghiêm trọng. Penicillin gây ra phản ứng dị ứng làm tử vong nhiều hơn bất kỳ nhóm kháng sinh nào khác. Phản ứng dị ứng phổ biến với thuốc nhóm penicillin là phát ban da và sưng mặt, sốc phản vệ hoặc thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Fluoroquinolones và Enrofloxacin gây mù vĩnh viễn và mất thị lực, Chloramphenicol gây thiếu máu, suy tủy, Oxytetraxycline gây dị ứng đường tiêu hóa. Ngoài ra, các loại kháng sinh tích tụ lâu ngày có thể gây đột biến, ung thư…
Bên cạnh đó, nhiều loại kháng sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Khi người lao động sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, phần da bị lộ ra và hít bụi từ bột kháng sinh sẽ ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Ảnh Hưởng Đến Hệ Sinh Thái
Kháng sinh tồn dư khi ra ngoài môi trường có thể được các loài cá và các sinh vật khác ăn vào (Boxall và ctv, 2004; Sørum, 2006), tác động đến các loài phiêu sinh thực vật và tạo ra một số dòng vi khuẩn kháng thuốc (Kim và ctv., 2004; Sørum, 2006). Có nhiều nghiên cứu cho thấy các loài phiêu sinh thực vật trong môi trường xung quanh khu vực nuôi thủy sản có chứa số lượng lớn hơn các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (Huys và ctv, 2000; Furushita và ctv., 2005; Sørum, 2006).
Kết quả khảo sát của Lê Xuân Sinh và Đỗ Minh Chung (2009) cho thấy khi trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn khi tôm, cá bệnh thì thức ăn dư thừa và phân cá có chứa các loại thuốc kháng sinh sẽ lắng xuống đáy ao nuôi và các chất kháng sinh có thể bị rửa trôi vào các khu vực lân cận (Boxall et al., 2004; Sørum, 2006). Nhiều loại kháng sinh có độ bền cao và thoát ra môi trường kênh, rạch tự nhiên được các sinh vật hấp thụ (vẹm, nghêu, sò huyết) và tác động lớn đến động, thực vật dưới nước.
Gây Thiệt Hại Về Kinh Tế
Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong môi trường nuôi tạo dòng vi khuẩn kháng thuốc, gây nên hiện tượng lờn thuốc, khi tôm có bệnh xảy ra sẽ rất khó điều trị. Ao nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng gây thiệt hại lâu dài, dẫn đến thất bại triền miên trong NTTS (Austin B., 1985; Watts J. và ctv, 2017).
Tình trạng lờn thuốc kháng sinh dẫn tới người nông dân bị phụ thuộc vào kháng sinh, và sẽ cần những loại kháng sinh ngày càng mạnh hơn. Thay vì phải dùng kháng sinh mỗi khi vật nuôi bị bệnh, người nông dân sẽ phải dùng kháng sinh liên tục, liều ngày càng cao cho mỗi lứa vật nuôi, gây tốn kém rất nhiều.
Tồn dư thuốc kháng sinh được tìm thấy trong nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á (Canada-Canada và ctv, 2009; Won và ctv, 2011; He và ctv, 2012). Theo báo cáo của Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) ở 4 thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khấu thủy sản giai đoạn 2006-2010. Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada cũng phát hiện nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam nhiễm dư lượng flouroquinolone chủ yếu là enrofloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin và norfloxacin trong cá fillet (Anh Thy và Cẩm Nhung, 2014).
Như vậy, dư lượng kháng sinh trong NTTS gây nhiều thiệt hại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp nước ta bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh và người nuôi trồng thủy sản khiến họ điêu đứng, thậm chí bị thua lỗ, phá sản.
Lựa chọn thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Những phương pháp thay thế kháng sinh được kỳ vọng có thể sử dụng phổ biến bao gồm:
(1) Men vi sinh: hiện nay các chế phẩm sinh học đã được sử dụng rộng rãi và mang lại kết quả rất tốt. Các chủng lợi khuẩn sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản là: Bacillus, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter…
(2) Thực thể khuẩn (Phages): là một thể “ăn” vi khuẩn có thể gây bệnh và tiêu diệt vi khuẩn. Việc sử dụng các sinh vật này là một lựa chọn khả quan, tuy nhiên vẫn đang nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô nhỏ.
(3) Peptide kháng sinh (AMPs) là một đoạn peptide hoặc một protein nhỏ có khả năng kháng lại vi sinh vật. Rất nhiều loài thủy sản có khả năng sản sinh petide kháng sinh khác nhau. Những loại AMPs này sẽ được sử dụng trong công nghiệp dược liệu và được sử dụng để kháng vi khuẩn kháng thuốc.
Điều cần thiết trong bối cảnh nuôi trồng thủy sản là giảm các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn, cải thiện cân bằng môi trường vi khuẩn trong ao nuôi để nâng cao đề kháng tự nhiên của tôm cá.
Về lâu dài, cần xây dựng các cơ sở chăn nuôi, nuôi trông thủy sản an toàn sinh học, hạn chế nuôi nhỏ lẻ để phòng, chống dịch bệnh và lây lan vi khuẩn. Nên tìm các thảo dược hay chế phẩm từ những vi khuẩn có lợi để thay thế kháng sinh. Thắt chặt việc mua bán kháng sinh tự do, tiến tới chỉ sử dụng kháng sinh với mục đích chữa bệnh.
Cùng với xu hướng nuôi tôm “sạch”, kháng sinh đang dần bị hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thay thế bằng việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường nước nuôi thủy sản, một trong những chế phẩm đang được quan tâm hiện nay đó là ACID HỮU CƠ và ANTI FREE