Bài viết cung cấp những giải pháp giúp giảm thiểu các tác hại liên quan đến sự phát triển của tảo trong ao nuôi.
Một trong những thách thức trong nuôi cá công nghiệp là đảm bảo sự cân bằng và duy trì mối quan hệ ổn định giữa nước, cá và hệ động thực vật phù du có trong ao nuôi. Để tăng thức ăn tự nhiên có sẵn ( thực vật phù du và động vật phù du) cho cá con, cá ấu trùng, hay cho các loài ăn lọc hiệu quả, ao nuôi tôm/cá thường được bón phân hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên việc bón phân quá mức có thể dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của vật nuôi và của hệ sinh thái ao.
Những vấn đề liên quan đến tảo trong ao nuôi tôm cá
1) Tảo nở hoa
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số lượng tế bào tảo vượt quá 100.000 tế bào/ml được gọi là tảo nở hoa. Trong nuôi tôm cá, cần tăng số lượng tảo lên đến một mức nhất định để làm thức ăn cho cá nuôi; nhưng quần thể tảo quá mức (tảo nở hoa) có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tôm cá. Hai loại tảo phổ biến nhất thường nở hoa trong ao là họ tảo lục và tảo lam (tảo xanh lam). Trong khi tảo lục thường chiếm ưu thế trong thời tiết mát mẻ, tảo lam thường chiếm tới 50-75% nở hoa vào mùa hè với sự xuất hiện của các hạt li ti dày đặc trên bề mặt của nước ao.
Nước ao xanh đậm:
Có thể cho thấy sự xuất hiện quá nhiều bào tử của tảo xanh/tảo lam trong nước, là kết quả của sự dư thừa chất dinh dưỡng cùng với nhiệt độ thích hợp. Các yếu tố môi trường chịu trách nhiệm bao gồm thời tiết ấm áp và nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là phốt pho và nitơ. Ngay cả khi sinh khối cá quá nhiều cũng có thể góp phần làm nước ao có màu xanh đậm; bởi vì chất thải của cá bị phân hủy bởi các vi khuẩn sẽ hình thành nitrat và cung cấp thức ăn cho tảo. Vấn đề nở hoa thường xảy ra trong những tháng mùa hè, nguyên nhân chủ yếu là do các loại tảo như Oscillatoria, Phormidium và Microcoleus.
Tuy nhiên, các tác động tiêu cực chính gây ra do tảo nở hoa thường là tác động gián tiếp. Sự phát triển quá mức của tảo có thể dẫn đến việc thiếu oxy hòa tan trong nước, đặc biệt là hàm lượng oxy hòa tan giảm trong đêm (do tiêu thụ quá nhiều O2). Do thiếu oxy hòa tan, cá bắt đầu nổi lên mặt nước và trầm trọng hơn cá sẽ chết hàng loạt. Sự nở hoa của tảo cũng có thể gây ra sự dao động lớn của các thông số chất lượng nước (ví dụ: pH và hàm lượng NH3 rất cao; do tảo sử dụng quá nhiều CO2 tự do để quang hợp. Điều kiện như vậy sẽ gây căng thẳng cho cá tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh khác tấn công cá. Tảo chết đột ngột có thể xảy ra sau những ngày trời nhiều mây, nóng, không có gió. Sự chết đột ngột của tảo sẽ dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng oxy hòa tan, đồng thời tích tụ xác tảo chết ở đáy ao sẽ tạo ra khí độc và một số loài có thể tạo ra các chất độc hại gây chết cho một số loài cá.
Các biện pháp kiểm soát tảo nở hoa
Việc thay thế một phần nước trong ao sẽ làm loãng mật độ tảo. Tuy nhiên đây không phải là một lựa chọn thực tế cho hầu hết các chủ ao trừ khi ao của họ có diện tích nhỏ và có sẵn nguồn nước gần đó.
Phốtpho và nitơ rất quan trọng đối với sự phát triển của tảo. Cách tiếp cận tốt nhất để kiểm soát tảo là điều chỉnh đầu vào dinh dưỡng bằng cách bón phân thích hợp, thả giống vừa phải và kiểm soát lượng thức ăn. Phốtpho là một trong những yếu tố chính chịu trách nhiệm cho việc tăng số lượng thực vật phù du trong ao nước ngọt. Có thể kết tủa phốtpho từ nước ao bằng cách sử dụng các nguồn ion sắt, nhôm hoặc canxi. Các ion này kết tủa photphat dưới dạng sắt, nhôm hoặc canxi photphat không hòa tan. Sử dụng phèn (nhôm sunfat) 20-30 mg/l hoặc thạch cao (canxi sunfat) 100-200 mg/l để kết tủa phốtpho quá mức cũng có thể khả thi. Phèn nhôm có tính axit và phù hợp hơn để sử dụng trong vùng nước có tổng độ kiềm 500 mg/l trở lên. Thạch cao tốt hơn khi sử dụng trong vùng nước có độ kiềm thấp.
Các hóa chất như hợp chất đồng, sodium carbonate peroxyhydrate và alkylamine salts có thể được sử dụng để điều trị tảo phù du. CuSO4 có lẽ là phương pháp điều trị tảo thường được sử dụng nhất vì tính sẵn có và chi phí thấp.
Một số điều đơn giản có thể làm là:
• Tạm thời ngừng sử dụng thức ăn và phân bón.
• Nước nên được thay, càng nhiều càng tốt (nên dùng nước đã được xử lý trước khi cấp vào ao.)
• Nên sử dụng vôi 150-200 kg/ha.
• Cá mè trắng có thể được nuôi để kiểm soát sinh học trong ao.
• Trong các ao nhỏ, che phủ một phần mặt ao bằng bèo tấm hoặc cây thủy sinh khác như lục bình, bèo cái, vv để giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao. Điều này sẽ dẫn đến cái chết của các tế bào tảo. Trồng thực vật thủy sinh cũng sẽ làm giảm mức độ dinh dưỡng trong nước ao và do đó không khuyến khích sự nhân lên của thực vật phù du.
• Đồng sunfat 1/100 trong tổng độ kiềm của nước ao rất tốt để kiểm soát tảo xanh lam.
• Tảo phát triển mạnh trong nước thiếu oxy. Do đó tăng cường oxy ngay lập tức bằng việc lắp đặt thiết bị sục khí để khuấy trộn bề mặt ao và giúp giải phóng các loại khí như CO2. Điều này cũng cho phép nước hấp thụ nhiều oxy hơn, trong thời gian ngắn sẽ giúp giảm sự hiện diện của tảo.
Làm thế nào để biết nếu tảo lam có mặt trong ao?
Dấu hiệu tảo lam nở hoa trong ao là nước có độ trong thấp hơn 30cm. Khi tảo lam phát triển với mật độ dày đặc có thể thấy hạt liti trên mặt nước bằng mắt thường, nước ao sẽ có màu xanh lam, xanh ngọc, nổi váng xanh trên mặt nước và có mùi hôi. Trời nắng gắt tảo lam thường nổi thành đám trên mặt nước, dạt về cuối gió. Chúng chủ yếu là màu xanh lá cây, mặc dù chúng cũng có thể có màu nâu hoặc tím. Ngược lại, nếu bạn vớt tảo và nó có dây, được tạo thành từ những sợi tảo dài màu xanh lá cây tươi sáng, nhầy nhụa thì đó không phải là tảo xanh lam, mà là tảo xanh vô hại.
Kiểm soát tảo lam
• Việc kiểm soát cơ học với tảo lam thường là pha loãng nước trong ao hoặc loại bỏ lớp nước bề mặt ao.
• Tăng Oxy trong nước ao thông qua sục khí. Sự sục khí cũng được sử dụng như là một cách tiếp cận cơ học để kiểm soát tảo. Thêm oxy cho đáy ao có thể kích thích phospho để liên kết và được hấp thụ vào trong trầm tích của ao nuôi. Điều này ngăn không cho phospho sẵn có trong nước để tảo sử dụng và tăng trưởng. Phương pháp này phù hợp hơn khi kiểm soát các loài tảo nổi (planktonic algae) như tảo lam.
• Cá trắm cỏ và các loài cá trích (Dorosoma petenense) được xem xét một phương pháp để giảm mật độ tảo vì chúng là loài cá ăn tảo. (Drenner và cộng sự.1984) Khoảng 600 con cá trên một mẫu Anh đã ngăn ngừa sự nở hoa tảo xanh trong ao cá ở Tifton. Cá trích nên được dự trữ trước khi tảo nở hoa. Giống như hầu hết các kiểm soát sinh học, việc sử dụng cá ăn tảo có thể mất vài tháng để kiểm soát được tảo nở hoa. Một điều bất lợi khi sử dụng phương pháp này là phải thả nuôi lại nếu loài này không tái sinh sản.
• Bổ sung men vi sinh cũng là biện pháp có thể giảm sự phát triển của tảo. Các sản phẩm này thường có chứa vi khuẩn và enzyme làm giảm sự phát triển của tảo bằng cách tiêu thụ các chất dinh dưỡng trong ao tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém khi xử lý ở diện tích lớn.
• Hợp chất có chứa đồng (CuSO4) và natri percarbonate (2Na2CO3-3H2O2) là những lựa chọn phổ biến để kiểm soát tảo trong ao. Các hóa chất đồng có hiệu quả trên hầu hết các loại tảo và đối rẻ tiền.Trong nước có độ cứng dưới 40 ppm, đồng có thể gây độc đối với cá (Watson và Yanong 2012). Vì vậy, kiểm tra độ cứng của nước ao trước khi bắt đầu phương pháp điều trị bằng hợp chất đồng.
2) Váng tảo
Trong một số điều kiện nhất định, các tế bào tảo nổi lên trên bề mặt nước và tạo thành một lớp, hoặc cặn bã.
Lớp này có thể bị gió đẩy sang một bên, tạo thành một khối tảo dày. Các váng tảo có thể thay đổi từ các chấm nhỏ (khuẩn lạc tảo lục) giống như bụi màu xanh lá cây nổi trên mặt nước khi bắt đầu nở hoa, đến sự tích tụ giống như lớp sơn dày trên bề mặt. Váng tảo có nhiều màu sắc khác nhau – vàng, xanh lá cây, xanh lục hoặc thậm chí đỏ. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mạnh sẽ giết chết tảo, biến một số tế bào thành màu trắng, do đó, váng tảo cũng có thể phát triển màu đốm.
Váng màu đỏ trên nước ao
Các loài tảo mắt đỏ thường chịu trách nhiệm cho màu đỏ trên ao nước ngọt. Euglenoids(tảo mắt) thường có màu xanh lục do sự hiện diện của lục lạp, nhưng một số loài cũng có màu đỏ vì chúng chứa một lượng lớn sắc tố carotenoid. Đặc biệt là trong mùa ấm áp với nước giàu dinh dưỡng, Euglena sp sinh sản nhanh chóng. Tảo đỏ là loài chỉ thị cho sự ô nhiễm chất hữu cơ trong nước. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hai loài tảo đỏ là: Euglena sanguinea và E. granulata, có khả năng sản sinh độc tố có thể giết chết cá. Euglena sanguinea sản xuất một chất độc thần kinh, euglenophysin có cấu trúc tương tự nọc độc kiến lửa. Nó có thể giết cá và nó cũng là chất diệt cỏ. Màu đỏ của nước ao cũng có thể là kết quả của hàm lượng sắt quá mức trong ao.
Loài tảo đỏ không có tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh, nhưng một số loài tảo giải phóng độc tố có hại có thể giết chết động vật thủy sản tiêu thụ nó. Nó cũng có thể dẫn đến việc thiếu dinh dưỡng và oxy trong nước.
Các biện pháp kiểm soát
• Mức độ nghiêm trọng và sự xuất hiện của tảo đỏ có thể được hạn chế bằng cách hạn chế lượng phốt pho.
• Lớp màu đỏ nổi trên mặt ao có thể được kéo và thu thập bằng cách sử dụng một sợi dây được làm bằng cách cuộn rơm hoặc lá chuối.
• Phèn nhôm với liều 25-30 kg/ha có thể được áp dụng cho nước để giảm sự nở hoa của tảo đỏ.
• Tăng cường trao đổi nước, nếu có đủ nước đủ điều kiện có thể thay ít nhất 25% khối lượng nước trong ao trong vòng 24 giờ để giảm tác động của tảo khi phát triển mật độ quá dày, mỗi tháng cần thay 25% nước ao để duy trì chất lương nước (Ghate et al.1993). Giảm lượng chất thải, kiểm soát thức ăn, trồng thêm cây thủy sinh
• Ngưng phân bón ao (nếu đang sử dụng).
Màu nâu sẫm của nước ao:
Quản lý ao kém, chẳng hạn như cho ăn quá nhiều, gây ra sự tăng trưởng nhanh chóng của Dinoflagellate (tảo đơn bào 2 roi) và tảo nâu và do đó dẫn đến sự hình thành màu nước này. Điều kiện nước như vậy là không tốt cho cá và nên thay đổi nước ao một phần nếu màu này xuất hiện. Nó cho thấy sự dư thừa dinh dưỡng do cho ăn quá nhiều, suy thoái đáy ao, tỷ lệ trao đổi nước thấp và nồng độ chất hữu cơ cao. Độ trong của nước này khoảng 15 cm, ao có rất nhiều bong bóng khi sử dụng thiết bị sục khí. Màu nước nâu sẫm thường làm cho tôm yếu đi và đôi khi gây trương nước và làm cho cá dễ mắc bệnh về mang.
Các biện pháp kiểm soát
Trao đổi nước sau đó là sử dụng dolomite hàng ngày vào khoảng 9 giờ sáng.
Áp dụng hàng ngày 20-25 kg đường thô, ủ qua đêm với một số loại men làm bánh mì sẽ dần biến màu trở lại bình thường.
c) Thảm tảo sợi
Tảo cũng có thể phát triển thành chuỗi dài hoặc chuỗi tế bào gọi là sợi. Một số dạng tảo sợi phát triển thành một thảm chìm dưới đáy ao, đặc biệt là ở các khu vực nông. Khi bong bóng oxy từ quá trình quang hợp tích tụ trong những tấm thảm chìm này, những đám tảo sẽ vỡ ra và nổi lên bề mặt. Thảm tảo dạng sợi phổ biến hơn trong các ao trong mùa xuân, nhưng chúng có thể tồn tại trong suốt cả năm và phổ biến hơn trong các ao sử dụng nhiều dạng phân bón hữu cơ.
Tảo dạng sợi thường có màu xanh lá cây tươi sáng, bao phủ đáy ao. Trong số các loại tảo sợi trong ao thì phổ biến là Spirogyra. Loài tảo này thường bắt đầu phát triển dọc theo các cạnh hoặc đáy ao và lan lên bề mặt, nổi lên bởi oxy mà nó đã tạo ra trong quá trình quang hợp. Ngoài ra còn có tảo Mougeotia và Zygnema. Tất cả ba chi tạo thành khối, mượt, trơn, nhầy nhụa khi chạm vào và thường có bọt khí.
Các biện pháp kiểm soát tảo sợi
Thường xuyên loại bỏ tảo sợi ra khỏi ao càng sớm càng tốt. Thảm tảo sợi có thể được loại bỏ bằng cào, lưới kéo, sàng dây thép hoặc các dụng cụ tương tự. Tuy nhiên, phương pháp kiểm soát này rất tốn công và chỉ kiểm soát tạm thời.
Trao đổi lớp nước mặt của ao bằng máy bơm nước.
Mặc dù không có hiệu quả cao, nhưng việc thả cá trắm cỏ (kích thước 3 inch – 5 inch) với mật độ cao trong ao bị nhiễm tảo dạng sợi có thể cho kết quả khả quan.
Che phủ 50% diện tích mặt nước ao với thực vật, nhờ đó chúng sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng có mặt trong ao.
Diquat, flumioxazin, sodium carbonate peroxy-hydrate và endothall giúp kiểm soát tốt tảo sợi.
Ngăn chặn phân và chất thải động vật chảy xuống ao. Giảm lượng phân bón sử dụng trên các cánh đồng cỏ gần ao và cũng ngăn chặn sự xâm nhập của phân bón ao hoặc các chất dinh dưỡng từ các nguồn khác vào ao.
Nếu ao đã cũ và trở nên cạn do tích tụ bùn đen ở đáy, nên tháo cạn nước, phơi khô đáy ao và loại bỏ bùn.
“Problems Associated with Fertilizer Management in Fish Culture”. Ajmal Hussan. ICAR-Central institute of Freshwater Aquaculture. RRC, Rahara & Kalyani FS. Trang 83