Tận dụng diện tích mặt nước sẵn có, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá giống và cá thương phẩm. Mô hình này đem lại lợi nhuận gấp 10 lần so với trồng lúa.
Hợp tác xã (HTX) Cá giống xã Ia Peng được thành lập năm 2017 với 8 thành viên. Đến nay, HTX đã có 30 thành viên với diện tích nuôi cá 15 ha, hàng năm cung cấp ra thị trường 40 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt.
Ông Nguyễn Đức Thắng-Giám đốc HTX Cá giống xã Ia Peng là người tiên phong nuôi cá giống ở Phú Thiện. Lúc đầu, ông nuôi cá trắm, cá chép rồi dùng kỹ thuật cho đẻ, sau đó ươm thành cá giống bán ra thị trường. Tuy nhiên, lượng cá con đẻ ra một lần quá lớn mà nhu cầu tại địa phương thì ít nên cung vượt cầu, không có hiệu quả. Vì vậy, 2 năm nay, ông chuyển hướng nhập cá bột từ Trung tâm Giống thủy sản Đak Lak về ươm rồi chuyển cho các thành viên HTX nuôi thành cá giống. Sau đó, HTX nhận bao tiêu cá giống cho thành viên.
Quy trình từ lúc nhập cá bột về đến khi sản xuất ra cá giống cung cấp cho thị trường hết 2 tháng. Theo tính toán, trừ thời gian vệ sinh ao hồ, nông dân sẽ nuôi được 6 lứa cá giống/năm. Tuy nhiên, hiện tại, các thành viên HTX Cá giống xã Ia Peng đang nuôi 5 lứa/năm. Mỗi héc ta thả 120 kg cá bột, sau 45 ngày thu về 2,2 tấn cá giống. Với giá cá giống bán cho HTX ổn định ở mức 55.000 đồng/kg, nông dân thu về 121 triệu đồng/lứa, 1 năm thu 605 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, các thành viên đạt lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha/năm, gấp 10 lần trồng lúa.
Tất cả 30 thành viên của HTX Cá giống xã Ia Peng đều làm ăn có lợi nhuận cao. Ông Nguyễn Văn Mỹ (thôn Thắng Lợi, xã Ia Sol) có hồ cá rộng 1 ha. Lâu nay, ông nuôi cá theo dạng tự nhiên, ít đầu tư nên thu nhập không đáng kể. Đầu năm 2019, ông gia nhập HTX Cá giống xã Ia Peng và được HTX hướng dẫn kỹ thuật, cho mượn tiền mua máy bơm, máy nghiền cỏ, đầu tư con giống cá bột. “Tôi đã nuôi được 2 lứa rồi. Mỗi lứa lãi 60 triệu đồng”-ông Mỹ cho biết.
Uy tín của HTX Cá giống xã Ia Peng ngày càng nâng cao, thị trường tiêu thụ theo đó cũng không ngừng mở rộng. Hiện tại, mỗi ngày, HTX bán ra thị trường 2 tạ cá giống các loại. Ông Thắng cho biết, cá giống nước ngọt của HTX chủ yếu bán cho 30 đại lý trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Kon Tum, Đak Lak, Bình Định. Hiện tại, HTX mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của đại lý, không có cá giống để bán lẻ cho các hộ nuôi cá thịt tại địa phương.
Huyện Phú Thiện có lợi thế về nuôi trồng thủy sản nhờ hệ thống mặt nước rộng lớn. Nghề nuôi cá nước ngọt vì vậy đã được người dân địa phương phát triển khá ổn định.
Ông Nguyễn Văn Chình (thôn Bình Nam, xã Ia Peng) có 1 ha lúa nước. Hai năm nay, ông đào 7 sào để nuôi cá trắm, còn 3 sào vẫn trồng lúa. Khi lúa làm đòng, ông cho dâng nước lên để cá ăn lúa. “Nuôi cá trắm trên ruộng lúa có sẵn nguồn thức ăn nên cá rất nhanh lớn, đỡ nhiều công đi cắt cỏ. Cá ăn hết đợt lúa này lại rút nước ra để sạ tiếp đợt lúa khác. Nuôi 6 tháng, cá trắm đã đạt bình quân 2-3 kg/con, tổng cộng 9 tấn cá bán được gần 300 triệu đồng, cao gấp 10 lần trồng lúa”-ông Chình thông tin.
Để phát huy lợi thế nuôi cá nước ngọt, chính quyền huyện Phú Thiện đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích. “Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đến liên hệ với HTX chúng tôi để nghiên cứu, tìm cách hỗ trợ phát triển nuôi cá giống nước ngọt trên địa bàn”-Giám đốc HTX Cá giống xã Ia Peng cho hay. Còn theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, tổng sản lượng cá của huyện hiện nay mới chỉ khoảng 300 tấn/năm. Diện tích nuôi cá nước ngọt hiện vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, với nguồn lợi nhuận cao và ổn định, gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt ở địa phương đang thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. “Nuôi cá nước ngọt đang là một nghề mới giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu”-ông Quý nhận định.
Nguồn: Thủy Sản Việt Nam