NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG THUỐC, HÓA CHẤT TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Hiện nay rất nhiều người nuôi chưa nắm bắt rõ kỹ thuật nuôi, quản lý sức khỏe của động vật thủy sản trong ao, đầm nuôi nên dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan và gây nhiều tổn thất to lớn về mặt kinh tế. Vì thế, vấn đề dịch bệnh vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi trồng thủy sản, họ đã tìm mọi cách làm giảm dịch bệnh phát sinh bằng cách sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trị bệnh cho động vật thủy sản (tôm, cá) là điều tất yếu cần thiết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh cho vật nuôi thủy sản không tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh nên đã có tác dụng ngược, tác động đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực hoặc để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản, ít nhiều sẽ gây tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là đối với các loại hóa chất, kháng sinh không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

NHỮNG VẤN ĐỀ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG HÓA CHẤT TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Có một vài lưu ý khi sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do dư lượng hóa chất trong các sản phẩm thủy sản. Ảnh hưởng của hóa chất sử dụng đến chất lượng nước và bùn đáy ao, tác động đến cấu trúc và tính đa dạng sinh học. Tồn lưu trong môi trường, tác động đến hệ vi sinh vật trong môi trường và đưa đến các dòng vi khuẩn kháng thuốc. Sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng hóa chất sẽ đưa đến việc để lại dư lượng hóa chất trong cơ thể đối tượng nuôi, hoặc sử dụng hóa chất  không hiệu quả. Vì vậy cần tuân thủ các yếu tố sau: Chọn loại hóa chất dễ sử dụng, đơn giản, có hiệu quả và tác dụng nhanh, hiệu quả kinh tế sau khi sử dụng.

CÁC PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG THUỐC, HÓA CHẤT TRÔNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Để phòng trị bệnh cho động vật thủy sản cần áp dụng các phương pháp sau:

– Dùng thuốc với nồng độ tương đối cao tắm cho động vật thủy sản theo thời gian quy định (tương ứng với nồng độ thuốc cho phép), phương pháp này chỉ áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ.

– Thuốc được dùng với nồng độ thấp và thời gian kéo dài, thường áp dụng cho các ao đầm nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi, đồng thời cũng cần phải chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.

– Dùng thuốc hoặc các chế phẩm trộn vào thức ăn, phương pháp này thường kém hiệu quả đối với một số bệnh vì khi đối tượng nuôi bị bệnh khả năng hoạt động sẽ kém, do đó hoạt động bắt mồi thường kém đôi khi bỏ ăn nên kết quả điều trị thường không cao. Khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gan mực, dầu thực vật bao bên ngoài viên thức ăn để hạn chế thuốc, hóa chất bị mất đi do hòa tan trong môi trường nước nuôi.

– Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể động vật thủy sản (chỉ áp dụng cho động vật quý hiếm hoặc đối tượng nuôi có giá trị kinh tế)

Chúng tôi khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản sử dụng các loại hóa chất xử lý nước đúng theo hướng dẫn, tránh tình trạng sử dụng quá liều lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và môi trường ao nuôi.

Từ khóa liên quan

+ Hóa chất nguyên liệu

+ Hóa chất xử lý nước

+ Vi sinh xử lý nước