Hiểu rõ về khoáng trong nuôi tôm

Khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Hiện nay, ở các mô hình thâm canh, đặc biệt là siêu thâm canh, mật độ con giống khá cao, tôm nuôi thường bị thiếu khoáng. Vì vậy, tôm cần được bổ sung khoáng đầy đủ, thông qua thức ăn và nước ao nuôi, đặc biệt việc lựa chọn thời điểm thích hợp là một vấn đề quyết định đến sự sống còn của ao nuôi của bà con.

Cung cấp khoáng trong nuôi trồng thủy sản

Nguồn khoáng chất thường có sẵn trong tự nhiên, trong nguồn nước cấp, trong đất, trong thức ăn và trong các loại hóa chất có chứa các nguyên tố của khoáng… Tuy nhiên, hàm lượng khoáng này rất ít và không đủ cho động vật thủy sản sử dụng. Do đó, chúng ta cần phải cung cấp khoáng chất cho tôm, cá nói riêng và cho động vật thủy sản nói chung trong suốt quá trình nuôi.

Khoáng được sử dụng bằng 2 cách:

  • Cách thứ nhất: hòa tan trực tiếp khoáng vào trong nước ao nuôi.
  • Cách thứ 2: trộn vào thức ăn cho tôm cá ăn để dễ dàng hấp thụ trực tiếp vào cơ thể tôm, cá.

Vai trò của khoáng đối với sự phát triển của thủy sản

Cá: Góp phần hình thành xương, cân bằng áp suất thẩm thấu, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của cá

Tôm: Góp phần hình thành vỏ tôm, bù lại lượng khoáng mất đi trong quá trình thay vỏ…

Các loại khoáng thường được dùng trong nuôi trồng thủy sản

Canxiclorua (CaCl2)

Hình thái: Dạng hạt, tan tốt trong nước

Công dụng: Bổ sung canxi, giúp tôm cứng vỏ, dễ dàng lột vỏ, ngừa bệnh cong thân, đục cơ

Magie Clorua (MgCl2)

Hình thái: dạng bột hoặc vảy

Công dụng: bổ sung khoáng Mg+ cho tôm, giúp tôm cá vận động và tăng trưởng tốt,

Kali Clorua (KCl2)

Hình thái: Màu trắng, không mùi, vị hơi mặn

Công dụng: K+ có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tôm, trung hòa kiềm và acid trong ao nuôi

Khoáng tổng hợp Azomite: 

Hình thái: Dạng bột trắng

Công dụng: Bổ sung khoáng chất thiết yếu cho tôm, giúp tôm cứng vỏ nhanh, Tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng năng suất

Lựa chọn sản phẩm khoáng phù hợp

Ngoài thể tích của ao, người nuôi cần lưu ý đến tổng khối lượng tôm trong ao để xác định chính xác hàm lượng khoáng cần bổ sung.

Không nên lựa chọn các sản phẩm thương mại không đề cập đến thành phần khoáng chất, vì như thế có thể sẽ thiếu tiêu chuẩn và hiệu quả. Đọc kỹ hàm lượng khoáng ghi rõ ở bao bì và so sánh với hàm lượng khoáng có trong nước biển. Hiện, trên thị trường có nhiều sản phẩm, tuy nhiên, vẫn còn lẫn lộn hàng giả, hàng kém chất lượng. Hơn nữa, người nuôi thường có thói quen mua sản phẩm về và sử dụng luôn thay vì việc lấy mẫu sản phẩm đi phân tích xem hàm lượng có đúng như trên bao bì hay không… Chính những nguyên nhân trên dẫn đến hiệu quả sử dụng sản phẩm không cao. Vì vậy, người nuôi nên cân nhắc, lựa chọn địa chỉ cung cấp có uy tín, chất lượng, nếu có điều kiện, nên đi phân tích mẫu sản phẩm để cho kết quả tốt nhất.